Phụ bếp là làm các công việc gì? Trách nhiệm và mức lương của người phụ bếp
- 11/02/2023
- Đăng bởi: Học viện AZ
- Mục: Kiến thức ngành bếp
Phụ bếp tuy không phải là người quan trọng nhất nhưng lại là một vị trí không thể thiếu trong khu vực bếp. Cùng tìm hiểu chi tiết phụ bếp là gì, công việc của phụ bếp và các yêu cầu cần đáp ứng nếu muốn bắt đầu ở vị trí này trong bài viết.
01. Phụ bếp là gì ?
Phụ bếp trong nhà hàng còn có tên gọi khác là Commis. Các phụ bếp sẽ phải làm những công việc nhỏ nhặt nhất theo sự phân công của các tổ trưởng, bếp phó, bếp trưởng và các công việc khác. Ở vị trí này, tỉ lệ nam phụ bếp sẽ nhiều hơn nữ bởi đặc thù của công việc.
02. Các yêu cầu cho vị trí phụ bếp
Khoảng thời gian làm việc ở vị trí phụ bếp là cơ hội để các đầu bếp tương lai có thể làm quen với môi trường làm việc thực tế, hiểu về quy trình hoạt động trong khu vực bếp. Để có thể hoàn thành xuất sắc vị trí này, bạn cần trang bị một số kỹ năng sau:
- Kỹ năng làm việc đội nhóm: Phụ bếp sẽ là người làm việc với các bộ phận trong bếp. Kỹ năng làm việc nhóm tốt sẽ giúp các phụ bếp hoàn thành tốt công việc và có nhiều cơ hội để phát triển bản thân ở những vị trí cao hơn trong bếp.
- Kỹ năng sắp xếp, điều phối công việc: Đây là một kỹ năng quan trọng giúp người phụ bếp hoàn thành tốt công việc vào những giờ cao điểm. Việc thành thạo kỹ năng sắp xếp sẽ giúp công việc của bạn diễn ra trôi chảy và ghi điểm với nhà quản lý.
- Kỹ năng quan sát: Không phải lúc nào các phụ bếp cũng được đào tạo chi tiết các việc trong bếp. Vì vậy, kỹ năng quan sát sẽ giúp các phụ bếp học việc nhanh hơn.
- Kỹ năng ghi nhớ thông tin: Ngoài các kỹ năng trên, phụ bếp cần phải có kỹ năng ghi nhớ để ghi nhớ các công thức chế biến món ăn, cách sơ chế các loại nguyên liệu.
03. Các công việc của phụ bếp
“Phụ bếp làm những gì” có thể sẽ là câu hỏi của người mới vào nghề. Dưới đây là các đầu việc của một phụ bếp tại nhà hàng:
Chuẩn bị các nguyên vật liệu, dụng cụ chế biến ở đầu ca
- Chuẩn bị các nguyên vật liệu, gia vị theo công thức của nhà hàng.
- Kiểm tra chất lượng của từng loại nguyên liệu để đảm bảo độ tươi ngon và còn hạn sử dụng.
- Chuẩn bị các công cụ dụng cụ, thiết bị phục vụ cho việc chế biến và đảm bảo tất cả đang trong tình trạng sử dụng tốt và tiến hành sửa chữa ngay hoặc báo cấp trên nếu phát hiện hư hỏng.
- Sơ chế nguyên vật liệu theo quy định của cấp trên.
- Chuẩn bị các chén, dĩa sạch để đựng và trang trí món ăn.
Hỗ trợ bếp chính trong việc chế biến món ăn
Tại các khung giờ cao điểm và thiếu người chế biến món ăn, các phụ bếp đã biết việc sẽ hỗ trợ bếp chính trong việc chế biến các món ăn đơn giản như khai vị hay tráng miệng và chịu sự giám sát của bếp chính.
Đảm bảo vệ sinh ở khu vực bếp và bảo quản trang thiết bị, dụng cụ làm bếp
- Chịu trách nhiệm làm vệ sinh khu vực bếp theo tiêu chuẩn quy định
- Vệ sinh các công cụ, dụng cụ chế biến và sắp xếp các công cụ này theo đúng nơi quy định
- Vệ sinh các tủ, kệ đựng thực phẩm và sắp xếp thực phẩm đúng nơi quy định
- Bảo quản các loại công cụ dụng cụ, máy móc, thiết bị làm bếp cẩn thận
Các đầu công việc khác
- Kiểm tra toàn bộ hệ thống ga, đèn, quạt trong khu bếp
- Định kỳ kiểm tra, thống kê những dụng cụ, trang thiết bị khu vực bếp và báo cáo hư hỏng
- Học hỏi kỹ năng và kinh nghiệm làm bếp và chế biến món ăn của bếp chính
- Linh hoạt và chủ động hỗ trợ các đầu bếp khác trong công việc
- Chấp hành tốt các nội quy bếp, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác phòng cháy chữa cháy
04. Mức lương của phụ bếp
Công việc ở vị trí này khá đơn giản và không có nhiều yêu cầu về mặt bằng cấp nên mức lương nhận được sẽ tương ứng với khối lượng công việc. Theo khảo sát trên web timviec365.vn, mức lương ở vị trí này hiện nay sẽ dao động trong khoảng từ 4 triệu đến 11 triệu/tháng, cụ thể:
- Đối với vị trí phụ bếp nhà hàng mới vào nghề, làm việc ở những bếp nhỏ thì mức lương mà các nhà tuyển dụng chi trả cho vị trí này sẽ rơi vào khoảng 4 triệu đồng.
- Ở nhà hàng lớn hơn, người đã có kinh nghiệm và kỹ năng làm việc tốt thì mức lương nhận được sẽ rơi vào khoảng 7 triệu đồng.
- Với những phụ bếp làm việc trong các nhà hàng đẳng cấp, khách sạn lớn thì mức lương nhận được có thể lên đến 11 triệu đồng.
Nhìn chung, vì mới bắt đầu với nghề bếp nên mức lương cho vị trí này sẽ không quá cao. Ngoài ra, lương ở vị trí này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như nơi làm việc, kinh nghiệm và các dịp cao điểm trong năm.
Vị trí làm việc
Nơi làm việc cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến mức lương. Những nhà hàng khách sạn lớn thường chi trả cao hơn so với các nhà hàng có quy mô nhỏ. Ở các nhà hàng có quy mô lớn, khách sạn đạt chuẩn thì mức lương sẽ dao động trong khoảng từ 7 đến 9 triệu. Còn đối với những nhà hàng có quy mô nhỏ thì mức lương sẽ rơi vào khoảng từ 4 triệu đến 5 triệu.
Kinh nghiệm làm việc
Bên cạnh quy mô nhà hàng thì kinh nghiệm làm việc cũng là yếu tố ảnh hưởng đến mức lương của người đầu bếp. Với phụ bếp có kinh nghiệm từ 1 đến 3 năm, mức lương sẽ dao động trong khoảng từ 8 đến 9 triệu. Với những người ít kinh nghiệm thì mức lương khởi điểm chỉ từ 4 triệu đồng.
Các mùa cao điểm trong năm
Nếu nhà hàng, khách sạn mà phụ bếp làm việc thuộc những nơi du lịch thì mức lương còn ảnh hưởng bởi các tháng. Vào mùa du lịch, lượng khách trở nên đông hơn kéo theo công việc của đầu bếp cũng tăng lên. Điều này dẫn đến việc tiền lương cũng tăng vào mùa cao điểm.
05. Đôi lời từ AZ Careers & Training
Với các thông tin về vị trí phụ bếp trong bài viết, AZ Careers & Training hy vọng đã cung cấp đầy đủ cho các bạn các thông tin chi tiết về các yêu cầu, trách nhiệm và mức lương của vị trí này. Nhìn chung, đây là vị trí không đòi hỏi yêu cầu cao và dễ bắt đầu nhưng nếu cố gắng, bạn vẫn có nhiều cơ hội để thăng tiến trong nghề đầu bếp. Chúc bạn gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp đầu bếp!